489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Trung Quốc – xã hội số không góc khuất

Trung Quốc – xã hội số không góc khuất

Một viễn cảnh giống như ở thì tương lai đang diễn ra tại Trung Quốc, phá vỡ cuộc sống thông thường. Chính quyền Trung Quốc gọi đó là “tín nhiệm xã hội” và nói rằng hệ thống này sẽ hoạt động một cách hoàn thiện vào năm 2020.

Tín nhiệm xã hội giống như một phiếu ghi điểm cá nhân cho mỗi công dân của quốc gia có 1,4 tỷ người này. Trong một chương trình thí điểm, mỗi công dân được chỉ định số điểm trong khoảng 800. Ở một chương trình khác là 900.


Camera theo dõi một con phố đông đúc ở Bắc Kinh, một phần của mạng lưới 200 triệu camera giám sát trên khắp Trung Quốc.

Những người như Dandan, với “điểm số công dân” thuộc nhóm cao, cô sẽ nhận đãi ngộ VIP tại các khách sạn và sân bay, được cho vay với lãi suất thấp và dễ dàng vào học tại các trường đại học hàng đầu hay nhận công việc tốt nhất.

Những người ở nhóm điểm thấp phía dưới có thể bị đẩy ra ngoài vòng xã hội, bằng những cách như cấm đi du lịch, cấm vay vốn hoặc làm các công việc thuộc chính phủ.

Hệ thống chấm điểm này sẽ được thực thi bởi các hệ thống giám sát công nghệ cao và mới nhất, khi Trung Quốc đẩy mạnh việc trở thành đầu tàu của thế giới về trí thông minh nhân tạo. Các camera giám sát sẽ được trang bị khả năng nhận dạng khuôn mặt, quét cơ thể và theo dõi địa lý để liên tục để mắt theo dõi tới từng người dân.


AI có thể xác định danh tính, thông tin cá nhân của từng người đi trên phố.

Các ứng dụng smartphone cũng sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu và theo dõi hành vi trực tuyến của từng người mỗi ngày. Bên cạnh đó, dữ liệu lớn từ nhiều nguồn truyền thống như hồ sơ của chính phủ, bao gồm cả đánh giá về an ninh giáo dục và y tế, hồ sơ tài chính… cũng được đưa vào để tính điểm số tín nhiệm của từng công dân.

Hệ thống tín nhiệm xã hội đang được thử nghiệm và ở các giai đoạn phát triển khác nhau tại ít nhất hơn một chục thành phố trên khắp Trung Quốc. Một số công ty cũng tham gia hợp tác với chính quyền để quốc hữu hóa hệ thống, phối hợp và hỗ trợ công nghệ, hoàn thiện các thuật toán để xác định điểm số công dân quốc gia.

Đây có lẽ là dự án kỹ thuật mang tính xã hội lớn nhất từ trước tới nay, để cố gắng kiểm soát và đưa cuộc sống của hơn một tỷ người vào nền nếp. Nếu thành công, nó sẽ là chế độ “độc tài kỹ thuật số” đầu tiên trên thế giới.

Trung Quốc - xã hội số không góc khuất (P4)
 
 

Dandan không phản đối viễn cảnh sống dưới mạng lưới giám sát toàn diện này. Người phụ nữ 36 tuổi này biết rằng tín nhiệm xã hội không phải là một hệ thống hoàn hảo nhưng cô tin rằng đó là cách tốt nhất để quản lý một quốc gia phức tạp với dân số lớn nhất thế giới.

“Tôi nghĩ mọi người ở mọi quốc gia đều muốn có một xã hội ổn định và an toàn”, cô nói. “Nếu như chính phủ của chúng tôi nói rằng mọi ngóc ngách của không gian công cộng đã được lắp đặt camera, tôi sẽ cảm thấy an toàn”.

Dandan cũng có thể hưởng lợi nhiều từ hệ thống này. Các hành vi tài chính của cô sẽ là một thước đo quan trọng đối với điểm tín nhiệm xã hội. Theo một ứng dụng đánh giá tài chính trên smartphone có tên là Sesame Credit, Dandan có số điểm tín nhiệm rất cao là 770 trên 800. Có thể nói cô là một công dân Trung Quốc kiểu mẫu và rất trung thành.


Một ứng dụng cho thấy điểm số tín nhiệm xã hội của Dandan là 773 trên 800, mang tới cho cô nhiều đặc quyền ưu đãi.

Nhờ đánh giá này, Dandan đã có thể nhận được nhiều phần thưởng tương xứng. Ứng dụng trên điện thoại sẽ giúp cô được cấp một số đặc quyền như khi thuê xe hơi, đặt phòng khách sạn mà không cần đặt cọc.

Nhưng điểm tín nhiệm xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, không chỉ liên quan tới các chi tiêu tài chính hay quyết định mua sắm. Thái độ, cách ứng xử của bạn bè hay người thân của mỗi người cũng sẽ ảnh hưởng tới điểm số này.  Ví dụ nếu người bạn thân nhất hoặc bố của bạn nói điều gì đó tiêu cực về chính phủ, điểm số này sẽ bị trừ. Người mà bạn hẹn hò và kết hôn cũng ảnh hưởng đến điểm tín nhiệm xã hội.

Dandan kết hôn vì tình yêu nhưng cô đã chọn được một người chồng phù hợp, ít nhất là theo “tiêu chuẩn kỹ thuật số”. Chồng cô Xiaojing Zhang, thậm chí có khả năng sở hữu số điểm tín nhiệm xã hội cao hơn cô. Anh là công chức trong bộ phận tư pháp, một cán bộ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Chúng ta cần một hệ thống tín nhiệm xã hội”, Xiaojing nói. “Ở Trung Quốc, chúng tôi hy vọng mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau và cùng trở nên thịnh vượng. Như chủ tịch Tập Cận Bình đã nói, chúng ta sẽ giàu mạnh, dân chủ, văn mình, hài hòa và tươi đẹp. Đó là hy vọng của chủ tịch Tập đối với tương lai của đất nước. Đó cũng là hy vọng của toàn bộ dân tộc Trung Quốc”.


Vì Dandan và Xiaojing là các bậc cha mẹ gương mẫu, con trai họ Ruibao, 2 tuổi, cũng sẽ được hưởng lợi từ điểm tín nhiệm xã hội cao của họ.

Trung Quốc từ lâu đã là một quốc gia nổi tiếng với hệ thống giám sát chặt chẽ, vì vậy người dân ở đây đã quen với việc chính phủ đảm nhiệm vai trò quyết định trong nhiều vấn đề cá nhân. Đối với nhiều người sống ở Trung Quốc, quyền riêng tư không được coi trọng như ở phương Tây.

Người Trung Quốc đề cao các giá trị cộng đồng hơn so với quyền cá nhân, vì vậy phần lớn đều cảm thấy rằng nếu điểm tín nhiệm xã hội có thể mang tới một cuộc sống an toàn và ổn định hơn, thì hãy áp dụng nó vào thực tế. Nhưng hầu hết mọi người dường như không hiểu được tín nhiệm xã hội sẽ có thể kiểm soát những gì và gần như không có cuộc tranh luận nào về việc triển khai hệ thống này tại Trung Quốc.

Tất nhiên, đã có một số tiếng nói bất bình trong tầng lớp trung lưu có học vấn về điểm số tín nhiệm xã hội này, khi chính quyền muốn coi nó là tiêu chí duy nhất để đánh giá một con người. Nhưng điều đó không khiến cho tiến trình áp dụng chúng vào thực tế bị chậm lại.

Liu Hu là một trong số họ.

Là một nhà báo điều tra, Hu đã mất nhiều điểm tín nhiệm xã hội của mình khi bị buộc tội vì các phát biểu cá nhân. Hiện ông bị đẩy ra ngoài vòng xã hội do điểm số quá thấp của mình.

Vào năm 2015, Hu được cho là đã mắc tội phỉ báng sau khi cáo buộc một quan chức tội ăn hối lộ. Ông được đề nghị phải xin lỗi và trả tiền phạt. Nhưng khi tòa án yêu cầu nộp thêm một khoản phí bổ sung, ông đã từ chối.

Năm ngoái, người đàn ông 43 tuổi này nhận ra mình bị đưa vào danh sách đen vì đã “không trung thực”, theo chương trình đánh giá điểm tín nhiệm xã hội thí điểm. “Có rất nhiều người không đáng bị đưa vào danh sách đen, nhưng họ không thể thoát khỏi”, Hu nói.

Điểm số này đã phá hủy sự nghiệp và cô lập ông. Giờ đây, ông bắt đầu lo sợ cho tương lai của gia đình mình. Hệ thống đã ngăn cấm Hu đi du lịch và giữ ông dưới sự quản thúc tại gia một cách đầy hiệu quả tại quê nhà Trùng Khánh.

Trong một căn hộ nhỏ, Liu Hu cố gắng sử dụng một ứng dụng điện thoại để đặt vé tàu đến Tây An. Nỗ lực này bị từ chối ngay lập tức. “Ứng dụng nói rằng không thực hiện được yêu cầu đặt vé và việc sử dụng hệ thống đường sắt cao tốc của tôi bị hạn chế về mặt pháp lý”, ông giải thích.

Tài khoản truyền thông xã hội của Hu, nơi ông xuất bản nhiều thông tin điều tra cá nhân, cũng đã bị đóng cửa. Ông cho biết tài khoản Wechat và Weibo của mình từng có hai triệu người theo dõi ở thời điểm đỉnh cao. Nhưng hiện nay chúng đang bị kiểm duyệt.


Liu Hu, một nhà báo, đã bị mất điểm tín nhiệm xã hội và đang bị “giam lỏng” một cách khéo léo ở quê nhà.

Hu đã cố gắng kháng cáo với các nhà chức trách. Nhưng cho đến nay, tất cả những gì đáp trả lại chỉ là sự im lặng.

Ông muốn cảnh báo thế giới về cơn ác mộng của tín nhiệm xã hội. Làm như vậy có thể khiến bạn bè và gia đình của ông có thể gặp khó khăn, nhưng Hu tin rằng hầu hết người Trung Quốc vẫn chưa hiểu những gì sẽ xảy ra dưới tình trạng “độc tài số”.

“Bạn có thể nhìn thấy nó từ trạng thái tinh thần của người dân Trung Quốc”. Hu nói. “Mắt họ bị mù và tai của họ đã bị bịt lại. Họ biết rất ít về thế giới và đang sống trong ảo giác”.

(theo Abc.net.au)

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ