489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Thủy cung lớn nhất Hà Nội và kho tàng kiến thức ‘có nhưng không đáng kể’

Thủy cung lớn nhất Hà Nội và kho tàng kiến thức ‘có nhưng không đáng kể’

Một số nghiên cứu cho thấy việc ngắm nhìn cá bơi lội có thể giúp giảm căng thẳng và hạ huyết áp. Hình ảnh sinh vật biển được tự do tung tăng trong làn nước — môi trường sống (tuy chỉ là mô phỏng) của chúng — cũng góp phần truyền cảm hứng cho công chúng quan tâm hơn đến công cuộc bảo tồn chúng trong tự nhiên. Thủy cung giúp các nhà sinh học quan sát hành vi của các loài động vật mà trong tự nhiên rất khó để theo dõi. Việt Nam cũng có vài thủy cung công cộng: Viện Hải Dương Học và Thủy cung Trí Nguyên ở Nha Trang, bên cạnh các thủy cung thuộc hệ thống Vinpearland tại Hà Nội, Phú Quốc và Nha Trang, v.v. Khi thủy cung mới nhất của Việt Nam mở cửa vào cuối hè năm ngoái, đương nhiên tôi phải khăn gói đến chơi rồi!

Tọa lạc tại tầng hầm của Trung tâm Thương mại Lotte World cạnh bờ Hồ Tây, thủy cung Lotte World có quy mô vô cùng ấn tượng: đây là thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội (vượt xa thủy cung ở Times City), thủy cung có touch tank (bể tiếp xúc) lớn nhất Việt Nam (thể tích 90 tấn), và hồ cá cong lớn nhất ở Đông Nam Á (18m x 5,8m). Thủy cung có tổng diện tích hơn 9.000m vuông và bao gồm 67 hồ, với sức chứa tổng cộng 3.400 tấn nước. Thủy cung là nhà của 31.000 cá thể thuộc khoảng 400 loài từ môi trường nước ngọt và mặn trên khắp thế giới. Rồi, số liệu khô khan đã kể xong, giờ chúng ta nhảy tùm vào những thứ hay ho hơn nhé.

Bạn sẽ mất chút thời gian để tìm đến cửa thủy cung vì phải đi qua khu vực mua sắm chính. Có nhiều mức giá riêng biệt cho trẻ em và người lớn, cho các ngày trong tuần và cuối tuần, và cho người Việt Nam và người nước ngoài. Giá thấp nhất (trẻ em Việt Nam vào ngày thường) là 190.000 đồng và cao nhất (người nước ngoài vào cuối tuần) là 500.000 đồng. Số tiền mà bạn phải trả sẽ rơi vào giữa khoảng đó. Tôi là người Mỹ, nhưng vì biết nói chút tiếng Việt nên đã được bạn nhân viên tốt bụng bán cho giá vé của người Việt Nam, hoan hỉ vô cùng. Hồ cá mở cửa mỗi ngày từ 9:30 sáng đến tận 10:00 tối, nên ngay cả các “cú đêm” cũng có thể ra khỏi nhà vào tối muộn để thăm thú đại dương thu nhỏ nhé.

Thủy cung Lotte World được chia thành bốn khu vực tham quan theo chủ đề: Làng quê yên bình, Dạo bước trên biển, Thám hiểm biển xanh và Quảng trường đại dương. Các hạng mục trưng bày của thủy cung được sắp xếp theo thứ tự tuyến tính; tức khách tham quan sẽ đi từ điểm đầu là A đến điểm cuối là B, bắt đầu từ bể nước đầu tiên và kết thúc ở cửa hàng quà tặng. Chủ đề của thủy cung là một hành trình “từ núi xuống biển.” Khách tham quan bắt đầu tại một ngôi làng miền cao và xuôi theo sông ra biển, qua rạn san hô và hòa vào đại dương, điểm hẹn cuối hành trình là một quán cà phê và cửa hàng lưu niệm. Ngay từ cổng vào có vẻ đậm âm hưởng văn hóa Việt Nam: huyền thoại về Cá Ông được kể bằng đoạn hoạt hình ngắn về một ngư dân, con gái ông, chiếc nón, và chú cá voi.

Là một nhà sử học nghiên cứu về lịch sử đại dương học và ngư nghiệp Việt Nam, khía cạnh tôi quan tâm nhất về một thủy cung chính là khả năng giáo dục khách tham quan về môi trường thủy sinh và mối quan hệ của người Việt với nó. Nhưng tôi đã thất vọng vì những gì mình thấy. Các bể cá có quy mô cực kỳ ấn tượng, nhưng chỉ giới thiệu chung chung chứ thực không thể hiện được những yếu tố đặc trưng của môi trường Việt Nam. Ngoại trừ một đền cá ông ở khu “Dạo bước trên biển,” nhân vật cá ông hầu như bị bỏ quên.

Khu vực đầu tiên là Làng quê yên bình, nơi trưng bày các loài thủy sinh nước ngọt từ khắp nơi trên thế giới. Từ một ngôi làng miền cao, có nhà sàn gỗ xây trên mặt hồ bên rừng tre, khách tham quan sẽ đi theo một “con suối” từ núi xuống biển. Bên dưới mặt hồ là các loài cá nước ngọt từ khắp nơi trên thế giới: một số loài cá rô phi Nam Mỹ, cá tai tượng trưởng thành, cá hổ, và cá trê đuôi đỏ. Một căn phòng mô phỏng rừng nhiệt đới được tô điểm bởi các hồ cá nhỏ màu xanh lá cây xây chìm vào bê tông, trưng bày các loài cá mà bạn có thể dễ dàng mua ở cửa hàng thú cưng: cá tetra, cá tai tượng mini, cá thần tiên, cá đĩa và cá vàng. Liên quan đến môi trường Việt Nam chỉ có duy nhất “đường hầm” sông Mê Kông, cũng là bể cá lớn nhất trong khu vực trưng bày. Trong đó, khách tham quan có thể thấy một số loài cá nước ngọt của vùng Đông Nam Á: cá trê khổng lồ sông Mê Kông, cá bông đậu, cá trê basa, và cá hải tượng long — một loài ngoại lai được nhập vào Việt Nam để phục vụ bộ môn câu cá giải trí. Bể cá chính là hạng mục nổi bật nhất ở Làng quê yên bình. Gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ, được thiết kế khoa học, và giới thiệu kỹ lượng tính đa dạng sinh học của vùng Mê Kông.

Sau khu trưng bày Làng quê yên bình, khách tham quan sẽ đến khu Dạo bước trên biển; theo tôi, đây là phần thú vị nhất của toàn bộ thủy cung. Các hạng mục trưng bày ở đây bao gồm một mô hình rừng ngập mặn, một “bãi biển” và một touch tank lớn nơi khách tham quan có thể trực tiếp chạm vào nhiều loài sinh vật biển khác nhau. Các bờ biển của Việt Nam trước đây đã có rừng ngập mặn lớn, bảo vệ bờ biển khỏi thiệt hại từ bão và là môi trường của nhiều loài sinh vật biển quan trọng của Việt Nam. Ngày nay, những khu sinh học quan trọng nhưng dễ bị tổn thương này đang bị hủy hại dưới tác động của ngành bất động sản và chăn nuôi tôm.

Tôi đánh giá cao việc thủy cung ít nhất cũng có một khu trưng bày và biển thông tin để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đặc biệt vì ở đây cũng có loài vật mà tôi thích nhất: loài sam biển hết sức ngoan xinh yêu. Tại touch tank, nhân viên của thủy cung sẽ giám sát khách tham quan khi tiếp xúc với các cá thể cua cạn và sao biển. Còn ở bãi biển, khách tham quan có thể thấy cá vược, cá hồng vàng, cá hòa bình, và các em cá mập mèo — vốn vẫn hay lượn lờ cạnh khách du lịch ở các bãi biển trên khắp Việt Nam. Phía trên bãi biển là một mô hình đền cá ông, để nhắc nhở khách tham quan rằng khu vực này đại diện cho một lát cắt của hệ sinh thái Việt Nam.

Sau bãi biển là khu vực tham quan ảo diệu nhất: một rạn san hô được chiếu sáng bởi đèn huỳnh quang và ánh sáng đen. Các bể nước được xây theo kiểu âm tường, mỗi một bể lại sở hữu một rạn san hô nhiệt đới thu nhỏ. Cá mặt hề, cá sư tử, cá nóc hòm, cua trang trí, cá dao cạo, và những loài cá sặc sỡ khác được trưng bày trong những hộp châu báu. Gần như tất cả các loài sinh vật biển trong các bể cá này đều đến từ vùng biển Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương nhiệt đới. Do đó, dù không có biển hiệu nào ghi rõ nhưng ta có thể ngầm hiểu rằng phần lớn khu vực Thám hiểm biển xanh đại diện cho hệ sinh thái san hô của Việt Nam. Sự đa dạng của hệ sinh thái san hô Việt Nam đang dần biến mất trước ảnh hưởng của việc khai thác du lịch và ô nhiễm môi trường, vì vậy cơ hội được chiêm ngưỡng loài vật này là rất quý giá. Ai là fan của phim Đi tìm Nemo vào đây chắc chắn sẽ thích mê.

Ẩn sau lối đi ở đây, khách tham quan có thể nhìn vào một số phòng nghiên cứu/chăm sóc động vật của thủy cung, cũng như một không gian giáo dục gọi là Lớp Hải Dương Học. Khi đi ngang qua, tôi thấy lớp học hoàn toàn trống trơn, nhưng lòng tôi vẫn nhóm lên hy vọng rằng các đoàn tham quan từ trường học, hoặc các lớp học hè, nếu có cơ hội, có thể ghé thăm đây để hiểu thêm một chút về môi trường biển và cách chăm sóc động vật thủy sinh trong điều kiện nuôi nhốt. Mặc dù tôi chẳng bao giờ thấy nó được sử dụng, sự hiện diện của một không gian giáo dục khiến tôi đánh giá Thủy cung Lotte World cao hơn bất kỳ thủy cung nào ở các khu phức hợp nghỉ dưỡng. Một vài phòng trưng bày đã khiến tôi phải tò mò: một phòng có dàn loa phát ra âm thanh của các loài động vật biển để các vị khách biết rằng đại dương không hề im lặng, một phòng khác lại cung cấp các thông tin về tình hình ô nhiễm nhựa ở đại dương. Tôi dành một chút thời gian tại mỗi phòng này, lắng nghe tiếng hát của cá voi, một số khách tham quan khác xung quanh tôi cũng đứng lại một lúc như thế.

Khu vực Thám hiển biển xanh là nhà của bể cá lớn nhất tại Việt Nam. Tiêu điểm của khu vực này là mô hình của một con tàu buồm kiểu Tây chìm dưới đáy biển, được bao quanh bởi cát và đá. Ngập lặn trong bể là cá đuối, cá vược và cá hồng, với một số cá vược Napoleon lớn, cá mú, cá đuối và cá mập. Các cá thể cá mập đều là các cư dân quen thuộc của các thủy cung nhiệt đới — cá mập ngựa vằn, cá mập vây trắng, và cá mập vây đen. Các loài sống trong bể cá đến từ Thái Bình Dương Nam, và các con tàu buồm phương Tây đã buôn bán trong Biển Đông trong hàng thế kỷ, vì vậy khu trưng bày này có thể đại diện cho một vụ tàu đắm ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Một hầm nước đi qua đó, và một cửa sổ bên trong vụ đắm nhìn ra mênh mông của biển xanh. Cá mập là điểm thu hút chính ở đây, nhưng chỉ cảnh quan bể cá để lại ấn tượng thú vị.

Khu vực này cũng có một gian phòng tối chứa ba bể cá kriesel lớn, một loại bể cá chuyên dụng được thiết kế dành cho những sinh vật thân mềm, trôi tự do như sứa mặt trăng. Các bể cá kriesel được lặp đặt riêng biệt để khách tham quan có thể đi dạo quanh từng bể, ngắm nhìn cận cảnh từng con sứa, hoặc nhìn tổng thể cả khu vực từ xa. Thủy cung thường che chắn các bộ lọc, máy bơm và các thiết bị hỗ trợ khác, nhưng đây không phải là tiêu chuẩn chung: các thủy cung công cộng hiện đại đầu tiên ở Anh và Pháp được xây dựng với lối kiến trúc mở — các ống dẫn nước, máy bơm, v.v. đều “lộ thiên” để thể hiện sự kỳ công của kỹ thuật xây dựng. Tuy những khu vực còn lại của thủy cung đều che chắn kín mít, công nghệ bể cá kriesel là đã đủ khiến người đam mê công nghệ phải phát cuồng. Thật sự phải nói, thiết kế của phòng trưng bày này quá đẹp, đến mức có nguy cơ trở thành một địa điểm check-in sống ảo cho dân tình dùng TikTok hoặc Instgram, khiến mục đích thực sự của nó bị bỏ quên: là một nơi dừng chân để chào hỏi người họ hàng xa xôi và lâu đời nhất của chúng ta, một nơi để suy ngẫm về quãng đường mà con người đã đi được từ khi còn là những sinh vật đơn bào trôi lênh đênh trong làn nước biển thời tiền sử.

Quảng trường đại dương, khu vực tham quan cuối cùng, rộng hơn so với ba khu vực trước đó. Nơi đây được trang bị một cửa sổ quan sát với ghế ngồi dạng sân vận động, cùng một quán cà phê để khách tham quan nán lại một chút, ngắm nhìn các loài cá và suy ngẫm về đại dương. Quảng trường đại dương cũng là nơi các vị khách được được xem các em sư tử biển vẫy vùng và các em chim cánh cụt vô tri qua lại quanh mấy tảng đá. Các nhân viên sẽ thuyết minh về công việc chăm sóc động vật tại đây cho những vị khách muốn tìm hiểu, lịch trình các “buổi học” và các buổi cho cá ăn sẽ được đăng tại cửa thủy cung.

Sau Quảng trường đại dương, khách tham quan sẽ đến cửa hàng lưu niệm. “Lưu niệm” ở đây là đồ chơi của MyKingdom, không khác biệt gì so với những cửa hàng đồ chơi khác rải rác khắp Việt Nam của thương hiệu này, trừ việc cửa hàng ở đây được sơn màu xanh dương và bán nhiều cá mập bông hơn các chi nhánh khác. Không có quà tặng dành cho người lớn, và tuyệt nhiên không có sách gì về đại dương học, một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: Thủy cung Lotte World chủ yếu là nơi để trẻ em đến để xem cá, nếu có học thêm được kiến thức hữu ích gì thì cũng chỉ là sự vô tình mà thôi.

Nhiều thủy cung khác trên thế giới đã làm rất tốt trong việc giới thiệu môi trường sinh học bản địa: Thủy cung Monterey Bay (Mỹ) là một điển hình, cũng như nhiều thủy cung ở Nhật Bản. Đông Nam Á cũng có những đại diện như Viện Hải Dương Học ở Nha Trang, Thủy cung Angkor ở Siem Reap, Campuchia, Thủy cung Indonesia tại Taman Mini Indonesia, Jakarta, và Thủy cung S.E.A ở Singapore, v.v. thành công trong việc giáo dục về vùng biển Đông Nam Á. Thủy cung Lotte World không làm được điều đó. Ngoài đường hầm sông Mê Kông và đền cá ông, tệp khách đặc biệt tham quan tâm đến hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của Việt Nam, hoặc truyền thống ngư nghiệp lầu đời của người Việt, sẽ thấy vé ở đây không đáng đồng tiền bát gạo mấy. Đây là một điều đáng tiếc, vì ngoài Viện Hải Dương Học, có vẻ như không có thủy cung nào khác ở Việt Nam đang nỗ lực giúp người Việt hiểu hơn về môi trường và lịch sử Việt Nam cả. Nhưng tôi hiểu rằng hầu hết khách tham quan không quan tâm đến khía cạnh giáo dục như tôi. Tôi tin thủy cung Lotte World cần chú tâm nhiều hơn nữa vào các loài động vật đặc hữu. Dẫu vậy, tôi vẫn thích chuyến thăm quan của mình — đủ nhiều để quay lại thêm vài lần nữa (haha).

So sánh với các thủy cung khác ở Việt Nam, phải nói rằng Lotte World có không gian dành cho khách tham quan chỉn chu nhất. Tuy nhiên, so với các thủy cung và cơ sở nghiên cứu đại dương học trên toàn thế giới, Lotte World không có gì mới lạ, không có gì nổi bật, và thật sự thì cũng không “có cửa.” Tất nhiên, xét theo tiêu chuẩn của một thủy cung trong tâm thương mại, thì Lotte World vẫn là một điều kỳ diệu, một kỳ công kỹ thuật, dễ dàng vượt mặt tất cả các đối thủ cạnh tranh như ở các Vinpearland rải rác khắp đất nước. Vì ở Lotte World, cá ít nhất cũng còn thở. Nơi đây tuy không có lịch sử thú vị như Viện Hải Dương Học (là thủy cung yêu thích nhất của tôi ở Việt Nam) cũng không có nét hoài cổ của Thủy cung Trí Nguyên. Nhưng với các gia đình muốn dắt con em đi chơi cuối tuần, hoặc các cặp đôi muốn có một buổi hẹn ngọt ngào, thì Thủy cung Lotte World là điểm dừng chân hoàn hảo. Bạn có thể tự thưởng cho mình vài lát sashimi ở nhà hàng trên lầu, sau khi dành vài tiếng đồng hồ để ngắm nhìn đồng loại của chúng ở dưới lầu. Xem phim Đi tìm Nemo hoặc, nếu bạn không quá nhát gan, phim Hàm cá mập, vào đêm trước khi bạn đến thăm thủy cung để “lấy mood.” Nhưng cái gì quan trọng phải nhắc lại 3 lần, nhớ đi vào ngày trong tuần cho thong thả, kẻo lại bị chật chội như cá mòi đóng hộp đấy.

Nguồn: Saigoneer.com

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ