489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2023): Cuộc hành trình vĩ đại vì độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân!

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2023): Cuộc hành trình vĩ đại vì độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân!

“Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình vĩ đại để tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử của cách mạng Việt Nam…”.

Zalo

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”!

Nước mất, nhà tan. Nhân dân chịu hai tầng áp bức, bóc lột. Những cuộc nổi dậy, các trào lưu yêu nước, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục nhưng đều thất bại, hoặc chìm trong biển máu hoặc dần đi đến thoái trào… Tất cả hiện trạng ấy đã đặt ra cho lịch sử một câu hỏi lớn về con đường đấu tranh đúng đắn nhất, phù hợp nhất với dân tộc, với bối cảnh Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Sinh ra trong tình cảnh ấy, cũng thấm thía hơn ai hết cái tình cảnh trớ trêu ấy; hơn nữa, lại mang trong mình trái tim yêu nước, thương nòi thiết tha bậc nhất, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chưa khi nào thôi trăn trở, thôi nung nấu ý định tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Vậy nên, với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và đặc biệt là với mong ước tột cùng là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành dưới tên gọi Văn Ba, làm phụ bếp trên con tàu của Pháp Latouche - Tréville, đã rời bến cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Ngày 6-7-1911, con tàu cập cảng Marseille, Pháp, từ đây mở ra chương khởi đầu trên hành trình tìm kiếm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi họa ngoại xâm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Khi đánh giá về sự kiện lịch sử này, có người cho rằng đây là “một sự đổi mới đầy dũng cảm”. Còn các nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Thị Hồng Nhung thì cho rằng: Chỉ có lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên định về giải phóng dân tộc, giải phóng Nhân dân khỏi cảnh áp bức, lầm than và lòng quả cảm mới đưa Nguyễn Tất Thành tới một lựa chọn dứt khoát, khác biệt mọi người. Chuyến đi là một quyết định mang tính lịch sử, một sự kiện mới rất đặc biệt chưa từng xảy ra. Điểm đặc biệt của chuyến đi lịch sử này, trước hết nằm ở “định hướng đi”: trước những cách thức cũ, hướng đi cũ, sang phương Đông hay lên phía Bắc mà các bậc cha anh đã chọn đều không mang lại kết quả hay thắng lợi cuối cùng; thì việc lựa chọn sang phương Tây mà trực tiếp là sang Pháp đã “phản ánh một tư duy vượt trội, rõ ràng, mạnh bạo, dám đi tới tận nơi phát sinh của vấn đề để tìm cách giải quyết vấn đề. Đó là sự khác biệt sâu sắc trong định hướng ra đi của Nguyễn Tất Thành với các thế hệ cha anh đi trước”.

Cùng với chọn “hướng đi” là xác định “mục đích đi”. Cũng theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Thị Hồng Nhung, bỏ qua những ý kiến mang tính suy diễn, không phản ánh đúng thực chất mục đích chuyến đi, thì hầu hết các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, Nguyễn Tất Thành xuất dương là nhằm đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Điều này xuất phát từ lòng yêu nước được trao truyền, hun đúc trong dòng máu gia đình, quê hương, cũng như xuất phát từ ý thức dân tộc và đặc biệt là từ hoài bão “phải có danh gì với núi sông” của tuổi trẻ. Bản thân Người cũng đã nhiều lần nói rõ mục đích chuyến đi của mình khi trả lời báo chí. Chẳng hạn, năm 1919, khi phóng viên báo Y Chê Pao (xuất bản ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 20-9-1919) hỏi về mục đích đến Pháp để làm gì, Người đã trả lời: để đòi những quyền tự do mà Việt Nam phải được hưởng, với phương châm là luôn luôn tiến lên phía trước tùy theo sức mạnh của mình. Hay năm 1923, khi trả lời tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” tại Matxcơva, Người giải thích: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”… Nói tóm lại, mục đích cuối cùng và cao cả nhất không gì khác là tìm ra con đường cứu nước thoát khỏi họa ngoại xâm, cứu dân thoát khỏi cảnh áp bức lầm than.

Zalo

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Song, nói thì dễ nhưng để có bước chân đầu tiên trên hành trình ấy lại cần một quyết tâm rất lớn, với một trái tim kiên nghị và quả cảm, một tinh thần dám dấn thân và sẵn sàng hy sinh, một lòng nồng nàn yêu nước, luôn đau đáu vì nước, vì dân… Quyết định bước chân lên con tàu Latouche - Tréville của con người nhỏ bé ngày ấy và lần đầu xa Tổ quốc, một mình đối diện với đại dương mênh mông, mịt mờ của thời cuộc khi ấy, ít ai ngờ lại trở thành bước đi của lịch sử. Đó là hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy và gắn với vô số các sự kiện, các mốc lịch sử nổi bật trong hành trình giải phóng dân tộc của Người.

Dù “Tổ quốc đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”. Đó là đòi hỏi tất yếu của lịch sử đối với con người sẽ làm nên lịch sử - làm thay đổi vận mệnh đất nước, thậm chí là làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới sau này - với tư cách là Người viết lại “lịch sử chế độ thực dân” trong thế kỷ XX, như chính người Pháp đã thừa nhận “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương” (dự cảm của Paul Arnoux - một mật thám Pháp chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc kể từ sau sự kiện bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” và khi nghe Nguyễn Ái Quốc nói chuyện ở hội trường Hooctiquyntơ, Pari)

“Người đi tìm hình của nước”

“Cuộc hành trình đời người” kéo dài suốt 3 thập kỷ (1911-1941) đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc qua nhiều quốc gia, để vừa lao động kiếm sống, vừa không ngừng quan sát, tìm hiểu, chiêm nghiệm và nhận thức thực tiễn. Ví như, Người từng cảm khái khi đứng dưới chân tượng Nữ thần Tự do tại New York, Mỹ vào một ngày cuối tháng 12-1912: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp... Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc?”. Đồng thời, Người tích cực tìm hiểu các phong trào đấu tranh của Nhân dân lao động ở nhiều nước tư bản và thuộc địa, từ đó, không ngừng học hỏi, đánh giá và tìm kiếm con đường đấu tranh đúng đắn, khoa học để giải phóng dân tộc ta.

Zalo

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Trong suốt 30 năm bôn ba, đã có nhiều dấu mốc quan trọng, tác động đến cuộc đời hoạt động của Người. Sau khi sang Pháp, Nguyễn Tất Thành vừa làm vừa học và sau này gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Đến giữa năm 1919, chính giới Pháp Pari và chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, Việt Nam, bắt đầu xôn xao về một nhân vật có tên là Nguyễn Ái Quốc - người đại diện cho “Hội những người yêu nước An Nam tại Pháp”, ký tên dưới “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi đến đại biểu các nước thắng trận Chiến tranh thế giới thứ nhất tham dự hội nghị hòa bình họp tại lâu đài Versailles, ngoại ô thủ đô Pari. “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” yêu cầu Chính phủ Pháp: (1) Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; (2) Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong Nhân dân An Nam; (3) Tự do báo chí và tự do ngôn luận; (4) Tự do lập hội và hội họp; (5) Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; (6) Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; (7) Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; (8) Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ…

Từ sự kiện này, Bộ Nội vụ Pháp đã xác định: “Cuộc điều tra về phong trào tuyên truyền chống Chính phủ trong các giới Việt Nam ở Pari để ủng hộ “Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam” cho phép rút ra kết luận rằng, hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc, Tổng thư ký Hội những người Việt Nam yêu nước”. Đồng thời, có nhận định cho rằng, “lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc lập cho dân tộc mình; lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam dám bóc trần những tội ác của bọn thực dân Pháp ngay ở Paris”. Cũng từ đó mà “Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc bản thân nó có sức hấp dẫn lạ kỳ”!

Có thể nói, Hồ Chí Minh là con người của hành động. Theo nhiều nhà nghiên cứu, triết lý hành động Hồ Chí Minh, trước hết xuất phát từ trong tư tưởng, truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong đó, điều nhân lõi nhất của triết lý nhân sinh truyền thống Việt Nam đã trở thành nền tảng cho mọi quan điểm và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là triết lý về ở đời và làm người. Đồng thời, triết lý hành động của Người cũng chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng lớn của dân tộc, như Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” gắn với triết lý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; hay Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà” đã khảng khái khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc… Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiêm nghiệm: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”! Cũng bởi xuất phát từ yêu nước, thương dân, đau đáu trước cảnh nước mất, nhà tan nên chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành mới quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Bởi vậy, hành trình ra đi tìm đường cứu nước suốt 30 năm là minh chứng sống động về con người hành động hay triết lý hành động Hồ Chí Minh. Đó là chủ nghĩa yêu nước, là tinh thần dân tộc, là khát khao độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân… Tất cả, đã dẫn dắt Người đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học và đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Có thể khẳng định, “hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình vĩ đại để tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử của cách mạng Việt Nam”. Đó là hành trình tìm lại “hình” của nước, hay tìm lại “sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai” - tìm lại truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng để làm điểm tựa cho một tương lai rạng rỡ Việt Nam; cũng đồng thời là khẳng định quyền tự quyết dân tộc để vẽ lại hình chữ S tươi mới trên bản đồ nhân loại. Đó cũng chính là “thế đi đứng”, là “cách vin hoa” mà mỗi người Việt Nam hôm nay luôn tự hào, vốn được đặt nền móng từ cách đây 112 năm, khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bước chân đầu tiên từ bến Nhà Rồng.

(baothanhhoa.vn)

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ